Khái niệm mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch Hàng hóa
Sở giao dịch hàng hóa và thị trường hàng hóa giao sau: bao gồm các hình thức giao dịch khác nhau như thị trường triển hạn, thị trường kì hạn và thị trường tự chọn. Thị trường kỳ hạn hàng hóa là sự phát triển ở trình độ cao của thị trường triển hạn. Sự phát triển đó thể hiện ở chỗ thị trường kì hạn là thị trường có tổ chức chặt chẽ. Các giao dịch hợp đồng trong thị trường kì hạn chỉ được thực hiện tại địa điểm duy nhất là Sở Giao dịch Hàng hóa. Hình thức giao dịch trong thị trường kì hạn thông qua Sở này được gọi là hình thức mua bán qua Sở Giao dịch Hàng hóa.
Mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch Hàng hoá là giao dịch mua bán hàng hoá, theo đó các bên thỏa thuận thực hiện việc mua bán lượng nhất định của loại hàng hoá nhất định qua Sở theo những tiêu chuẩn của Sở với giá được thoả thuận tại thời điểm giao kết hợp đồng và thời gian giao hàng được xác định tại một thời điểm trong tương lai .
Từ khái niệm trên có thể thấy việc mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch Hàng hoá có những dấu hiệu riêng biệt. Đó là:
Thứ nhất, chủ thể hoạt động mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá gồm các thương nhân là nhà giao dịch, nhà môi giới và khách hàng.
Nhà giao dịch là những thành viên tham gia vào hoạt động mua bán hàng hoá kì hạn, quyền chọn cho chính bản thân họ, giao dịch từ chính tài khoản của họ. Các nhà giao dịch tham gia vào hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở với mục đích đầu cơ hoặc tự bảo hiếm rủi ro cho mình và thường là các nhà kinh doanh hay nhà sản xuất lớn, có sự am hiểu về mua bán kì hạn, quyền chọn.
Nhà môi giới là thương nhân hoạt động độc lập hoặc đại diện cho công ti môi giới lớn, thực hiện các giao dịch cho những người không phải là thành viên của sở giao dịch để kiếm tiền bằng cách thu một khoản phí gọi là phí hoa hồng của người mua hoặc bán các hợp đồng kì hạn hoặc quyền chọn khi họ tham gia và mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch Hàng hoá.
Khách hàng là người bán hoặc người mua tham gia và giao dịch hàng hoá qua Sở Giao dịch Hàng hoá thông qua nhà môi giới. Khách hàng ủy thác cho nhà môi giới thực hiện việc mua bán tại Sở trên cơ sở thiết lập hợp đồng môi giới, sau đó người môi giới sẽ bảo đảm với Sở Giao dịch về việc thực hiện hợp đồng được kí cho khách hàng bằng việc chính nhà môi giới là người kí hợp đồng. Bên cạnh ba chủ thể chính này, trong mua bán hàng hoá thông qua Sở còn có một số chú thể khác, đó là các nhà tư vấn thực hiện việc phân tích thị trường, lập báo cáo, cho ý kiến tư vấn hoặc đưa ra các đề xuất về việc mua bán hợp đồng kỉ hạn cho một người nào đó và thu phí; các đại lí giao dịch được cấp phép làm đại lí cho công ty môi giới hàng hoá giao sau trong việc môi giới các lệnh mua bán từ khách hàng…
Thứ hai, việc mua bán hàng hoá được thực hiện tại Sở Giao dịch Hàng hoá. Sở là tổ chức được thành lập để cung cấp các tiện ích cho việc tiến hành các giao dịch kì hạn, quyền chọn và một số giao dịch giao sau khác. Về mô hình, Sở Giao dịch Hàng hoá thường được tổ chức dưới hình thức doanh nghiệp ở các nước phát triển và việc thành lập các Sở ở các nước này hoàn toàn theo nhu cầu thị trường. Trong khi đó, ở một số nước đang phát triển (Trung Quốc, Thái Lan), Sở Giao dịch thường là Tổ chức có tư cách pháp nhân được quản lí, điều hành bởi Nhà nước.
Mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch, các chủ thể được Sở cung cấp nhiều tiện ích như:
l) Cung cấp và duy trì nơi mua bán cụ thể (thường gọi là Sàn Giao dịch), tại đây hợp đồng kì hạn và quyền chọn được các thành viên của Sở mua và bán;
2) Đề ra các quy tắc, quy chế để điều hành hoạt động kinh doanh hàng hoá giao sau diễn ra tại sở và giám sát, thực thi các quy tắc, quy chế đó;
3) Thúc đẩy hoạt động mua bán kì hạn và quyền chọn của các thành viên. Bản thân sở không tham gia vào việc mua bán kì hạn mà chỉ cung cấp những tiện nghi cho các bên tham gia vào hoạt động mua bán hàng hoá giao sau tại sở.
Thứ ba, hàng hoá trong mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch Hàng hoá mang những đặc điểm riêng biệt. Đó là những hàng hoá tồn tại sự biến động lớn về giá trong thị trường giao ngay. Sự tiềm ẩn nguy cơ biến động lớn về giá của các loại hàng hoá này đã buộc các nhà sản xuất và nhà chế biến phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ nếu giá biến động theo hướng nào đó. Vì vậy, họ đưa các loại hàng hoá này tham gia vào thị trường kì hạn và thị trường quyền chọn để tự bảo hiểm, tức là chuyển rủi ro về giá sang các nhà nắm rủi ro chuyên nghiệp và cho phép có cơ chế giá phục hồi. Hàng hoá đưa vào mua bán qua Sở Giao dịch còn là loại hàng hoá thu hút được khối lượng lớn các bên tham gia và không có bên nào chi phối được thị trường. Điều này được hiểu là nếu giá cả của loại hàng hoá đó chỉ do một người ấn định thì không còn sự biến động tự phát về giá, do đó cũng không còn nhu cầu về thị trường các hợp đồng kì hạn hoặc quyền chọn.
Thứ tư, hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở thông thường được thực hiện bằng hai loại hợp đồng cơ bản: hợp đồng kì hạn và hợp đồng quyền chọn.
Thứ năm, hoạt động mua bán hàng hoá thông qua Sở mang tính đầu cơ nhằm mục đích sinh lợi, cho phép các bên tự phòng ngừa rủi ro bằng những hợp đồng kì hạn.
Thứ sáu, hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở phản ánh biến động của quan hệ cung cầu, sự thay đổi giá cả trên thị trường. Các thông tin từ hoạt động này tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà kinh doanh tham khảo khi giao dịch, kí kết hợp đồng. Nó phản ảnh được sự biến động của nền kinh tế và góp phần ổn định giá cả, giúp các nhà sản xuất kinh doanh khi ra các quyết định đầu tư dưới hình thức giao kết các hợp đồng kì hạn.
Trích dẫn từ luật thương mại Việt Nam
Giống như luật về mua bán hàng hoá tương lai của các nước, Luật Thương mại năm 2005 cũng đưa ra khái niệm về mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch Hàng hoá. Khoản 1 Điều 63 Luật thương mại năm 2005 quy đinh: “Mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch Hàng hoá là hoạt động thương mại theo đó các bên thoả thuận thực hiện việc mua bán một lượng hàng hoá nhất định của một loại hàng hoá nhất định qua sở giao dịch hàng hoá theo những tiêu chuẩn nhất định của Sở Giao dịch Hàng hoá với giá được thoả thuận tại thời điểm giao kết hợp đồng và thời gian giao hàng được xác đinh tại một thời điểm trong tương lai”.
Có thể thấy, khái niệm mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch Hàng hoá của luật thương mại năm 2005 đã thể hiện đầy đủ bản chất của hoạt động mua bán hàng hoá. Theo khái niệm này, mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch Hàng hoá là hoạt động thương mại. Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm sinh lợi khác. Như vậy, mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch Hàng hoá là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, hay nói cách khác là hoạt động kinh doanh nhằm tìm kiếm lợi nhuận của các chủ thể khi tham gia vào quan hệ thương mại này.
Thứ hai, thoả thuận mua bán một lượng hàng hoá nhất định của các bên phải được thực hiện thông qua chủ thể thứ ba là Sở và phải tuân thủ các điều kiện cụ thể do Sở Giao dịch đặt ra. Đây là điểm khác biệt cơ bản của hoạt động mua bán hàng hoá thông qua Sở Giao dịch Hàng hoá với hoạt động mua bán hàng hoá thông thường và hoạt động mua bán hàng hoá giao sau trên thị trường ngoài Sở. Trong hoạt động mua bán hàng hoá thông thường, các bên trực tiếp thoả thuận với nhau về giá cả, số lượng, phẩm cấp hàng hoá, thời hạn giao nhận mà không cần phải thông qua chủ thể trung gian nào. Hay tại thị trường hàng hoá giao sau ngoài Sở, các bên có thể chủ động thoả thuận với nhau việc mua, bán một lượng hàng hoá nhất định với các điều khoản về chất lượng, giá cả và thời điểm giao hàng trong tương lai nhất định mà không thông qua tổ chức nào. Nhưng đối với hoạt động mua bán hàng hoá thông qua Sở Giao dịch Hàng hoá, thoả thuận mua bán hàng hoá của các bên nhất thiết phải thực hiện thông qua Sở. Sở đóng vai trò trung gian, kết nối quan hệ mua bán hàng hoá của các bên mua bán hàng hoá. Để tham gia được vào quan hệ mua bán này, người mua và người bán phải đáp ứng được những yêu cầu nhất định do Sở đặt ra. Việc mua bán được diễn ra theo trình tự, thủ tục chặt chẽ, thống nhất theo quy định của Sở.
Thứ ba, chỉ một số hàng hoá nhất định đáp ứng các tiêu chuẩn do Sở Giao dịch Hàng hoá quy định mới được mua bán thông qua Sở. Như vậy, không phải tất cả các loại hàng hoá trên thị trường thông thường đều được đưa vào giao dịch ở Sở Giao dịch Hàng hoá. Chỉ có một số loại hàng hoá đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định do các Sở quy định mới được mua bán thông qua Sở. Những hàng hoá này có thể là những hàng hoá không phải đã có tại thời điểm thoả thuận mua bán của hai bên mà nó sẽ hình thành trong tương lai, tại thời điểm giao hàng do hai bên thoả thuận. Việc giới hạn loại hàng hoá được phép giao dịch thông qua Sở là phù hợp với tính chất của mua bán hàng hoá trên thị trường hàng hoá giao sau và phù hợp với quy định của pháp luật các nước trên Thế giới.
Thứ tư, giá cả của hàng hoá do các bên mua bán thoả thuận là giá của hàng hoá đó tại thời điểm giao kết hợp đồng và thời gian giao hàng được xác định tại thời điểm trong tương lai. Đây cũng là điểm đặc trưng của mua bán hàng hoá thông qua Sở Giao dịch Hàng hoá, là điểm khác biệt cơ bản đối với các hoạt động mua bán hàng hoá thông thường. Trong quan hệ mua bán hàng hoá thông thường, sau khi các bên mua, bán đã thoả thuận xong với nhau về việc mua bán hàng hoá thì bên mua có nghĩa vụ trả tiền cho bên bán và nhận hàng hoá, bên bán nhận tiền và có nghĩa vụ giao hàng hoá cho bên mua, khi đó quan hệ mua bán sẽ chấm dứt. Nhưng trong quan hệ mua bán hàng hoá thông qua Sở, tại thời điểm thoả thuận, các bên đồng ý mua, bán một lượng hàng hoá với giá của hàng hoá đó tại thời điểm giao kết nhưng việc giao hàng của bên bán cho bên mua lại diễn ra tại thời điểm trong tương lai. Quyền và nghĩa vụ của các bên sẽ phát sinh tại thời điểm giao kết hợp đồng và chấm dứt khi các bên hoàn thành nghĩa vụ giao nhận hàng hoá tại một thời điểm trong tương lai do hai bên ấn định. Điều này xuất phát từ đặc trưng của hàng hoá trong quan hệ mua bán hàng hoá thông qua Sở là những hàng hoả có thể đã có, có thể được hình thành trong tương lai.
Thứ năm, hình thức mua bán hàng hoá thông qua Sở Giao dịch Hàng hoá là hợp đồng. Tuy tại khái niệm không chỉ rõ hình thức mua bán hàng hoá thông qua Sở là hợp đồng song quy định “… với giá được thoả thuận tại thời điểm giao kết hợp đồng” trong Luật thương mại năm 2005 đã gián tiếp quy định hình thức của giao dịch này là hợp đồng.
Như vậy khái niệm mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch Hàng hoá tại Luật Thương mại năm 2005 đã thể hiện đầy đủ bản chất của giao dịch hàng hoá trên thị trường hàng hoá giao sau tập trung và cơ bản phù hợp với quy định của pháp luật các nước trên thế giới. Quy định này của Luật cũng đã khẳng định Nhà nước thừa nhận về mặt pháp lí đối với hoạt động này trong giao lưu thương mại ở Việt Nam và bước đầu tạo cơ sở pháp lí để nó được diễn ra trên thực tế.