Tìm hiểu về thị trường cà phê phái sinh và giao dịch cà phê

Cà phê nằm trong nhóm các nguyên liệu công nghiệp phổ biến trên thị trường hàng hóa phái sinh (cùng với đường, ca cao, cao su, bông)  nhờ sự biến động thường xuyên của giá do sự thay đổi trong sản lượng, mùa vụ, cung cầu… và được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng. Giao dịch cà phê diễn ra hàng ngày trên các sàn hàng hoá phái sinh. Tuy nhiên, nhiều yếu tố có thể tác động tới giá cà phê như thời tiết, mùa vụ, chính trị… sự biến động khó lường như vậy cũng có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì vậy nhà đầu tư cần cập nhật thông tin thường xuyên để theo dõi những biến động về giá cà phê.

  • Giao dịch cà phê là gì?

Giao dịch cà phê là hoạt động mua bán các hợp đồng tương lai hay hợp đồng quyền chọn liên quan đến giá cà phê, mục tiêu chính là kiếm lợi nhuận nhờ sự chênh lệch giá cà phê.

Trên thế giới, Brazil là quốc gia có sản lượng cung cấp cà phê lớn nhất trên thế giới, theo sau đó là Việt Nam và Columbia, trong khi Châu Âu và Bắc Mỹ là hai khu vực có sản lượng tiêu thụ cà phê lớn nhất.

Trên thị trường hàng hóa hiện nay, hai loại cà phê được giao dịch phổ biến là cà phê Arabica và cà phê Robusta. Cà phê Arabica thường có lượng caffeine chỉ khoảng 1 – 3%, vì vậy nó sẽ mang đến hương vị đắng nhẹ và êm dịu. Loại cà phê này được trồng chủ yếu ở các vùng cao nguyên, nơi có khí hậu mát mẻ và nhiều mưa. Arabica chiếm lĩnh thị trường cà phê cao cấp và thường có giá cao hơn do quá trình sản xuất phức tạp và giới hạn vùng trồng. Nó thường được biểu trưng bởi ký hiệu C COFFEE trên các sàn giao dịch hàng hóa, giao dịch quyền chọn hoặc hợp đồng tương lai và được giao dịch trên Sở giao dịch hàng hóa ICE US. 

Ngược lại, cà phê Robusta thường có hương vị đậm và đắng hơn do chứa lượng caffeine cao, khoảng 2-4%. Giống cà phê này thích nghi tốt với các vùng đất có độ cao trung bình và khí hậu nhiệt đới. Robusta là loại cây lý tưởng để sản xuất cà phê hòa tan hoặc các sản phẩm công nghiệp khác. Cà phê Robusta thường được ghi nhận bằng ký hiệu RC COFFEE trên các sàn giao dịch và được giao dịch phổ biến trên sàn ICE EU.

  • Các yếu tố ảnh hưởng đến biến động giá cà phê

Thời tiết: Vì là một sản phẩm nông nghiệp nên những biến động về thời tiết như bão lũ, thiên tai, dịch bệnh có thể tác động rất lớn đến giá cà phê. Bên cạnh đó, cây cà phê phải cần được sinh trưởng trong những điều kiện ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm thích hợp, nên bất kì sự bất thường nào cũng có thể ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng cà phê. Trong đó, với những người trồng cà phê thì sương muối được coi là nguy cơ lớn nhất ảnh hưởng đến sản lượng.

Biến động chính trị: Những sự biến động địa chính trị tại các nước trên thế giới, đặc biệt là những nước xuất khẩu hay nhập khẩu cà phê lớn (như Brazil, Việt Nam, Mỹ, châu Âu, …) sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến giá cà phê. Nếu có bất kì động thái nào khiến nguồn cung hay cầu cà phê bị đình trệ sẽ khiến giá cà phê có biến động rất lớn

Tình hình kinh tế: Tình hình kinh tế suy thoái hay khủng hoảng sẽ tác động đến nhu cầu sử dụng cà phê của người tiêu dùng, nhất là những dòng sản phẩm cà phê cao cấp vì người dân khi đó sẽ chuyển sang loại cà phê rẻ hơn hay thậm chí là loại đồ uống khác. Vì vậy giá cà phê sẽ chịu những biến động khó lường trong giai đoạn này.

Giá dầu: Vì giá dầu liên quan trực tiếp đến chi phí vận chuyển cà phê để xuất khẩu ra nước ngoài nên nếu giá dầu tăng khiến chi phí vận chuyển tăng theo, vậy nên giá cà phê cũng sẽ tăng theo ngay sau đó.

  • Lợi ích và hạn chế khi giao dịch cà phê

Lợi ích:

Tính thanh khoản cao: Thị trường cà phê là nơi góp mặt của nhiều tổ chức lớn, vậy nên thanh khoản trên thị trường khá tốt và các nhà đầu tư có thể dễ dàng mua bán trên thị trường này.

Nhiều cơ hội sinh lời: Thị trường cà phê thường xuyên có những biến động lớn do các yếu tố kể trên như mùa vụ, thời tiết, các yếu tố về chính trị, kinh tế hay giá dầu, điều này sẽ thu hút các nhà đầu cơ có khả năng tận dụng tình hình và sinh lời từ những biến động này.

Hạn chế:

Tác động bởi thời tiết: Đây là một yếu tố rất khó khăn để dự báo trước, vì vậy rất khó để quản trị rủi ro cho yếu tố này và bất kì sự biến động nào của thời tiết cũng có thể ảnh hưởng mạnh đến sản lượng cà phê toàn cầu.

Biến động của đồng USD: Các hoạt động giao dịch mua bán cà phê thường được tiến hành bằng đồng USD, vì vậy những biến động của tỉ giá VND/USD sẽ là hạn chế lớn khi nhà đầu tư lựa chọn giao dịch cà phê,

Giao dịch cà phê diễn ra hàng ngày trên các sàn hàng hoá phái sinh
Giao dịch cà phê diễn ra hàng ngày trên các sàn hàng hoá phái sinh
  • Các lưu ý khi lựa chọn giao dịch cà phê

Đặc biệt quan tâm tới thời tiết: Như đã nói ở trên, thời tiết là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng tới giá cà phê, vì vậy quan tâm và theo dõi các thông tin thời tiết tại các quốc gia sản xuất cà phê như Brazil hay Việt Nam là điều rất quan trọng khi giao dịch cà phê.

Chọn loại cà phê thích hợp để giao dịch: Với đặc điểm của 2 loại cà phê nói trên, nhà đầu tư cần lựa chọn loại cà phê phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô tại thời điểm đó, cũng như mục tiêu đầu tư của bản thân để thu được lợi nhuận tốt nhất.

Giao dịch theo yếu tố mùa vụ: Mùa vụ đóng vai trò quan trọng trong việc giao dịch cà phê, bởi vì nó có thể dẫn đến sự biến động của nguồn cung và giá cả sản phẩm. Việc thu hoạch cà phê vào mùa thu của các quốc gia lớn như Brazil, Việt Nam và Columbia sẽ ảnh hưởng đến khối lượng cà phê trên thị trường. Vì vậy, hiểu rõ thời gian thu hoạch của từng quốc gia và cách chúng ảnh hưởng đến nguồn cung cấp sẽ giúp bạn đưa ra quyết định thông minh khi giao dịch. 

Để cập nhật kiến thức chuyên sâu về hàng hóa phái sinh và thông tin thị trường mới nhất, hãy theo dõi VIETCOM – Đầu tư thông thái, gặt hái trường tồn.