Viên nén gỗ: Giải pháp năng lượng xanh cho tương lai

Viên nén gỗ một sản phẩm năng lượng tái tạo

Viên nén gỗ được sản xuất từ các phế phẩm gỗ như mùn cưa, dăm gỗ, vụn gỗ,… Sau khi được nghiền nhỏ, sấy khô và nén lại dưới áp suất cao, chúng tạo thành những viên hình trụ nhỏ gọn, có khả năng cháy sạch và tỏa nhiệt lớn.

Viên nén được sản xuất từ nguồn nguyên liệu tái tạo giúp giảm thiểu lượng chất thải ra môi trường, bảo vệ rừng và giảm thiểu hiệu ứng nhà kính. Là một nguồn năng lượng sạch, nó có thể thay thế cho các nguyên liệu hóa thạch truyền thống như than đá, dầu. Đặc biệt, với những tiến bộ khoa học trong sản xuất viên nén gỗ nâng cấp nhiệt, khiến nó trở thành một giải pháp thay thế rất khả quan cho nhiên liệu than đá truyền thống trong sản xuất năng lượng.

Viên nén gỗ có thể thay thế than đá, dầu
Viên nén gỗ có thể thay thế cho các nguyên liệu hóa thạch truyền thống như than đá, dầu

Ứng dụng của viên nén gỗ ngày càng trở nên rộng rãi. Trong sản xuất, viên nén gỗ được dùng trong lò hơi công nghiệp, trong các nhà máy điện sinh khối. Ở các vùng lạnh, nó được sử dụng trong hệ thống sưởi ấm gia đình.

Sản xuất viên nén gỗ

Nếu trong ngành chế biến & sản xuất các chế phẩm từ gỗ như làm đồ gỗ nội thất, chế biến gỗ thành phẩm đòi hỏi quy trình phức tạp, nhiều bước, sử dụng nhiều máy móc thì quy trình sản xuất viên nén gỗ lại khá đơn giản, không yêu cầu kỹ thuật cao.

Quy trình sản xuất thông thường gồm 5 bước là nghiền, sấy, ép, làm lạnh và đóng gói. Những công việc này chủ yếu được thực hiện bởi máy móc, rất nhanh chóng, chính xác cao và tiết kiệm được nhiều chi phí nhân công.

Cơ sở sản xuất viên nén gỗ
Một cơ sở sản xuất viên nén gỗ

Trước đây, các doanh nghiệp xuất khẩu ngành gỗ chỉ có lời từ việc xuất khẩu các sản phẩm chế biến gỗ như đồ nội thất, đồ gỗ thô. Nhưng giờ đây viên nén gỗ được sản xuất từ mùn cưa, gỗ mẩu, gỗ dăm… thậm chí tận dụng cả những phế phẩm ngành khác như vỏ trấu, rơm, bã mía, thân cây, vỏ hạt…  Bằng cách này, các doanh nghiệp có thể “nhân đôi” nguồn thu. Có thể nói thị trường viên nén gỗ mở ra đã giúp các doanh nghiệp nhanh chóng gia tăng giá trị sản phẩm, đồng thời xử lý luôn một phần lớn rác thải phát sinh từ quá trình sản xuất.

Tình hình xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam

Xuất khẩu viên nén đang mở ra cơ hội lớn cho ngành gỗ Việt Nam, đặc biệt với sự phát triển mạnh mẽ tại các thị trường tiềm năng như châu Âu. Trong nửa đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 345 triệu USD, chiếm 4,7% tổng giá trị xuất khẩu ngành gỗ. Để tận dụng cơ hội này, các doanh nghiệp Việt Nam cần mở rộng quy mô sản xuất và cải tiến công nghệ.

Các thị trường châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc) và châu Âu hiện đang có nhu cầu tăng cao đối với mặt hàng này trong sản xuất năng lượng sạch. Thị trường châu Á – Thái Bình Dương, nơi có số lượng nhà máy điện than nhiều nhất thế giới, được dự báo thị trường phát triển nhanh trong thời gian tới và là cơ hội cho các nhà sản xuất viên nén gỗ Việt Nam. Hiệp hội Năng lượng sinh học thế giới dự báo thị trường viên nén gỗ toàn cầu dự kiến ​​đạt 15,63 tỷ USD vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm là 7,28% trong giai đoạn 2021-2026.

Hiện nay, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn là hai thị trường lớn nhất cho xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 92% về lượng và gần 90% về giá trị xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm 2024, dù giá viên nén tại hai thị trường này giảm, tiềm năng vẫn rất lớn do nhu cầu ổn định và cơ hội thay thế nguồn cung từ các quốc gia khác.

Xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam sang một số thị trường chính
Xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam sang một số thị trường chính giai đoạn 2021 – 6 tháng năm 2024. Nguồn: Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan
Xuất khẩu viên nén của Việt Nam sang một số thị trường chính giai đoạn 2021 – 6 tháng năm 2024. Nguồn: Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Thị trường châu Âu, dù chỉ chiếm 3,8% tổng giá trị xuất khẩu viên nén, đang tăng trưởng ấn tượng. Lượng nhập khẩu từ Việt Nam đã tăng gần gấp ba lần so với năm 2022. Với nhu cầu tiêu thụ viên nén lớn nhất thế giới, châu Âu là đích đến đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Dự báo thị trường viên nén gỗ toàn cầu sẽ đạt 15,63 tỷ USD vào năm 2026. Việt Nam hiện là nhà cung cấp viên nén thứ hai thế giới. Với những thế mạnh đang có và nhu cầu ngày càng tăng về sản phẩm này, các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm hướng đi phát triển trong thị trường này. 

Viên nén gỗ là một giải pháp năng lượng xanh, bền vững và hiệu quả. Với những lợi ích vượt trội, nó đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thị trường năng lượng toàn cầu. Ngành xuất khẩu viên nén Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển vượt bậc nhờ vào tiềm năng của các thị trường quốc tế. Để tận dụng cơ hội này, các doanh nghiệp cần tập trung vào đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường và khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu. Tương lai của ngành viên nén sẽ phụ thuộc vào sự đầu tư bền vững và tầm nhìn chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam.